Trung Quốc đã có bước đi đầu tiên để giành miếng bánh kinh tế lớn của Việt Nam. Các dự án này đồng thời là những quân bài lớn về an ninh quốc gia và ảnh hưởng địa chính trị ở tầm khu vực.
Ngoài dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đã được công bố là sẽ được hỗ trợ thực hiện bởi Trung Quốc, từ vốn cho tới cả mặt công nghệ, kỹ thuật. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang nhòm ngó các dự án lớn hơn.
Hôm 14 tháng Tư, báo chí trong nước đưa tin Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) vừa ký kết biên bản ghi nhớ với công ty FECON của Việt Nam về “hợp tác chiến lược toàn diện,” “phối hợp phát triển” trong các lĩnh vực quan trọng, trong đó có các dự án liên quan đến an ninh quốc gia như như đường sắt cao tốc bắc-nam, và điện hạt nhân.
Trung Quốc muốn đón lõng các dự án lớn?
Theo Giáo sư Carl Thayer, đến thời điểm này, trong số các quốc gia được Việt Nam chọn làm đối tác cho dự án điện hạt nhân vẫn chưa xuất hiện Trung Quốc.
Tuy nhiên, như trên đã nói, việc Tập đoàn PowerChina ký kết biên bản ghi nhớ với công ty FECON của Việt Nam về nhiều dự án, trong đó điện hạt nhân, đặt ra nhiều dấu hỏi.
Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc là một công ty nhà nước. FECON là một công ty tư nhân của Việt Nam. Các dự án mà FECON từng trúng thầu ở Việt Nam cho thấy công ty này có thể không phải là một công ty tư nhân “bình thường”.
Trong số các dự án xây dựng mà công ty này từng đảm trách toàn bộ hoặc một phần, có Trụ sở Cục An ninh Điều tra - Bộ Công an, Trụ sở Bộ Ngoại giao mới, Sân bay Long Thành, Trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh, Trụ sở Tập đoàn Viettel. FECON cũng đã tham gia các dự án đường sắt đô thị của Việt Nam như tuyến Metro số 3 ở Hà Nội (dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) và là nhà thầu xây dựng nhiều dự án điện gió, điện mặt trời và các dự án liên quan khác.
Theo ông Hồ Như Ý, việc các tập đoàn Trung Quốc tìm kiếm liên doanh với các công ty việt nam rõ ràng là có ý định đi tắt đón đầu, lợi dụng các sức ép chính trị, kinh tế và vốn vay từ Trung Quốc đối với Việt Nam để chia miếng bánh dự án. Trong bối cảnh đó, rõ ràng bài toán địa chính trị của Việt Nam đối với các dự án kinh tế lớn sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ảnh hưởng của địa chính trị tới các dự án lớn
Các dự án kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng đến địa chính trị và ngược lại, địa chính trị cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án đó.
Theo Giáo sư Carl Thayer, rõ ràng là các yếu tố địa chính trị đã quyết định đến quyết định của Việt Nam trong việc hợp tác với các công ty Trung Quốc để xây dựng tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Trung Quốc đã mở rộng tuyến đường sắt cao tốc của mình đến các tỉnh phía Nam giáp biên giới với Việt Nam. Mỗi dự án cơ sở hạ tầng lớn được các nhà lãnh đạo Việt Nam phê duyệt sẽ liên quan đến sự đánh đổi giữa chuyên môn kỹ thuật, lợi thế thương mại và các cân nhắc về địa chính trị.
Vậy nước này làm cách nào điều phối các dự án kinh tế lớn từ góc độ lợi ích địa chính trị của nó? Có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam áp dụng “chiến thuật” cho Trung Quốc làm dự án này thì chia cho nước khác làm dự án khác.
Việc Việt Nam chia nhỏ các dự án đường sắt nội đô ở Hà Nội thành từng dự án riêng lẻ, rời rạc, giao từng miếng bánh nhỏ cho các nước khác nhau là một ví dụ điển hình.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được giao cho Trung Quốc. Còn tuyến Nhổn - ga Hà Nội được giao cho Pháp thực hiện. Đây là hai dự án riêng rẽ, không tích hợp về công nghệ, do hai nước khác nhau với công nghệ khác nhau thực hiện (Pháp, Trung Quốc).
Các tuyến đường sắt đô thị cần được kết nối về mặt công nghệ để bảo đảm tính hiệu quả, bao gồm sự liên thông, tính bền vững. Sự kết nối đồng bộ giữa các tuyến đường sắt đô thị là điều phổ biến ở các đô thị có trình độ phát triển cao. Sự đồng bộ này giúp cho phép giao tiếp và trao đổi dữ liệu theo thời gian thực giữa các tuyến khác nhau, các đoàn tàu khác nhau, các nhà ga và trung tâm điều khiển. Hành khách cũng có thể lên lịch trình một cách tối ưu, cho phép phối hợp lịch trình các tuyến và các ga theo thời gian thực, đảm bảo luồng tàu thông suốt hơn, giảm sự trễ tàu và dễ dàng khắc phục sự cố khi có gián đoạn dịch vụ.
Thế nhưng, việc chia nhỏ miếng bánh “đường sắt đô thị” cho các đối tác khác nhau, với những công nghệ biệt lập, khiến cho việc tích hợp đồng bộ các tuyến này trong một mạng lưới công nghệ đồng bộ trở nên vô cùng khó khăn. Ít nhất ở thời điểm này, các tuyến đường đã hoàn thành và đang được xây dựng vẫn chưa được tích hợp với nhau trong một tầm nhìn lớn hơn, với mạng lưới chung về mặt công nghệ.
Điều gì khiến cho Việt Nam chia nhỏ mạng lưới này, một tuyến được giao cho Trung Quốc còn tuyến khác giao cho Pháp? Liệu các yếu tố địa chính trị có chi phối các quyết định lớn và ảnh hưởng đến tính hiệu quả (tính tích hợp công nghệ, liên thông giữa các tuyến) của mạng lưới đường sắt nội đô ở Việt Nam?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam không muốn cho Trung Quốc nắm hết mạng lưới đường sắt nội đô của một thành phố, nhưng cũng e ngại khi không cho Trung Quốc trúng thầu. Vì vậy, họ tách một dự án lớn đòi hỏi liên thông và thống nhất thành các dự án nhỏ, chia cho các nước khác nhau, trong đó có Trung Quốc.
Theo Giáo sư Zachary Abuza, Việt Nam cố gắng đảm bảo rằng chính sách đối ngoại và phát triển của mình luôn cân bằng như nhau. Việc quá phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào về an ninh, hỗ trợ ngoại giao, thương mại và đầu tư hoặc hỗ trợ phát triển khiến họ dễ bị tổn thương. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi họ đang tìm cách chia nhỏ các dự án phát triển lớn cho các đối tác chính. Ngoài ra, Việt Nam thực sự cảnh giác với các khoản vay của Trung Quốc, vốn không phải là khoản vay ưu đãi. Họ đã chứng kiến các nước láng giềng trong ASEAN mắc nợ Trung Quốc và mắc bẫy nợ.
Về mặt tính liên thông của mạng lưới đường sắt nội đô, Việt Nam sẽ tìm cách xoay sở về mặt công nghệ để chúng kết nối với nhau trong khi chấp nhận để các nước khác nhau thực hiện từng phần. Giáo sư Carl Thayer lưu ý Việt Nam đã thuê công ty tư vấn của Pháp Apave-Certifer-Tricc (ATC) thẩm định tuyến đường sắt do Trung Quốc thực hiện, nêu ra các thiếu sót trong các tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc khi so sánh với các hệ thống tàu điện ngầm châu Âu. Việt Nam đã thuê một công ty Trung Quốc hỗ trợ trong một năm để khắc phục. Bằng cách đó, Việt Nam hi vọng có thể liên thông về mặt công nghệ giữa các tuyến đường do các quốc gia khác nhau thực hiện với những công nghệ khác nhau.
Yếu tố địa chính trị của dự án điện hạt nhân
Trong số ba dự án kinh tế lớn của “kỷ nguyên vươn mình”, bao gồm điện hạt nhân Ninh Thuận, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt cao tốc Bắc Nam, dự án điện hạt nhân được các nhà quan sát quốc tế quan tâm hơn cả bởi tác động địa chính trị mạnh mẽ của nó.
Theo nhà nghiên cứu Hồ Như Ý, có thể hiểu được nếu Việt Nam trao các dự án như đường sắt cao tốc hay sân bay, cảng biển, nhà máy nhiệt điện cho nhà thầu Trung Quốc. Nhưng dự án điện hạt nhân lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Ông nói:
“Nếu dự án nhà máy điện hạt nhân được trao cho nhà thầu Trung Quốc thì quả thực rất nguy hiểm, khó có thể tưởng tượng được hậu quả nếu như quan hệ giữa hai bên lại trở nên căng thẳng vì vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp địa chính trị.
Các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc lâu nay các công nghệ lõi của họ tự phát triển đều rất khó kiểm tra tính năng và mức độ an toàn một cách độc lập, và chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay cũng rất không minh bạch về mức độ an toàn, chỉ số phóng xạ xung quanh các nhà máy điện hạt nhân của chính họ. Ngay cả với chính dân Trung Quốc mà họ còn không cần bận tâm thì lấy cái gì để đảm bảo họ sẽ suy tính vì tính mạng của hàng chục triệu dân việt nam? Thêm nữa là trình độ kĩ thuật, độ chín về công nghệ hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách so với các quốc gia tiên tiến tronh lĩnh vực này, từ Mỹ, Pháp cho tới Nga, Nhật.”
Giáo sư Zachary Abuza bày tỏ sự hoài nghi về tham vọng điện hạt nhân của Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam không có đủ vốn ban đầu hoặc nguồn nhân lực để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân lớn trong thời gian đã định. Nhưng nếu Việt Nam vẫn quyết làm thì sao? Theo ông Zachary Abuza, nếu nước này vẫn làm dự án đó, họ sẽ làm điều tương tự như đã làm đường sắt đô thị: chia nhỏ các phần của dự án cho các đối tác khác nhau, yêu cầu càng nhiều khoản vay ưu đãi, tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật càng tốt.
Như vậy, thực hiện dự án sao cho không lệ thuộc vào một đối tác nhất định sẽ là chiến thuật căn bản để hạn chế tác động địa chính trị của những dự án như điện hạt nhân.
Giáo sư Carl Thayer cho biết, Việt Nam đã chọn Nga để xây dựng một trong những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Hợp đồng với Nga được quyết định dựa trên nhiều lý do, bao gồm vai trò dẫn đầu của Nga trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nhóm chuyên gia tiềm năng của Việt Nam được đào tạo tại Nga ngày càng tăng và để củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của họ. Hiện tại, Việt Nam đang đàm phán với các công ty ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Hoa Kỳ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai.
Việt Nam tìm cách thúc đẩy tất cả các đối tác chiến lược của mình tham gia vào sự phát triển của Việt Nam không chỉ vì lợi ích chung về thương mại mà còn vì lý do chiến lược địa chính trị. Điều nước này muốn, theo Giáo sư Carl Thayer, là đảm bảo lợi ích với mỗi đối tác để đổi lại sự ủng hộ của họ. Việt Nam sẽ vẫn độc lập và không tham gia vào một đối tác để chống lại đối tác khác, và rằng Việt Nam sẽ đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.