Ngày 14/4/2025, Bộ Chính trị ĐCSVN công bố kết luận 150-KL/TW (gọi tắt là Kết luận 150), “hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự” của cấp tỉnh và cấp xã sau khi sáp nhập.
Kết luận 150 thể hiện phong cách làm việc “tốc độ” của ông Tô Lâm và nhóm thân cận. Ông Tô Lâm đã thay đổi toàn bộ cấu trúc ĐCSVN, cơ cấu chính phủ trung ương và hành chính địa phương chỉ trong vòng chín tháng, kể từ khi nắm vị trí tổng bí thư.
Theo Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích khi loại bỏ cơ cấu chính quyền bốn cấp trong hệ thống chính trị của mình. Điều đó sẽ giúp giảm chi tiêu cho hành chính và đẩy nhanh quá trình ra quyết định cũng như hiệu quả của chính quyền. Giáo sư Zachary Abuza cũng cho rằng Việt Nam từng nhiều lần sáp nhập và chia tách tỉnh thành do thay đổi về cơ cấu dân số, do nhu cầu kinh tế và chính trị. Lần nay thay đổi năm 2025 này cũng cần thiết do các nhu cầu đó.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát quốc tế, tốc độ thúc đẩy tiến độ công việc của ông tổng bí thư có thể khiến cho ông bỏ lỡ cơ hội xây dựng nền móng cho một cơ chế lựa chọn nhân tài mới cho Việt Nam.
Nói ông Tô Lâm bỏ lỡ cơ hội này vì Kết luận 150 đã thiết kế cơ chế lựa chọn lãnh đạo địa phương theo cách bổ nhiệm trực tiếp theo hàng dọc từ trên xuống. Nếu không phải chỉ là một giải pháp tạm thời để phục vụ cho Đại hội 14 sắp đến, nếu tiếp tục duy trì, cơ chế này không khác cách bổ nhiệm quan lại thời phong kiến và có thể gây ra di họa về sau.
Trung ương chọn lãnh đạo tỉnh
Năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng từng yêu cầu đảng của ông phải “làm rõ ai tham nhũng, ai bán chức, bán quyền?”. Câu trả lời thực ra đã được đưa ra trước Quốc hội, khi đại biểu Dương Trung Quốc tuyên bố thẳng thừng ”chỉ có quan chức mới có thể tham nhũng vì họ mới có quyền lực."
Nếu quy trình ban phát quyền lực này không được kiểm soát, kiểm tra, cân bằng, nó tất yếu chuyển thành mua bán.
Mô hình hành chính sau khi sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện là mô hình ba cấp: trung ương, tỉnh, xã. Theo Kết luận 150, Ban Tổ chức Trung ương sẽ chủ trì việc chuẩn bị và xây dựng lựa chọn nhân sự cụ thể cho các tỉnh sau khi sáp nhập. Các vị trí này bao gồm tất cả các vị trí quan trọng nhất của cấp thứ hai trong hệ thống (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương): bí thư, phó bí thư, chủ tịch tỉnh, chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, trường đoàn đại biểu quốc hội và các ủy viên dự khuyết trung ương đảng nằm trong ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Ban Tổ chức Trung ương xây dựng phương án nhân sự cho địa phương rồi “trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền.”
Có gì mới trong cơ chế tuyển chọn lãnh đạo địa phương ở đây không? Không. Đó vẫn là cách làm cũ của ĐCSVN: trung ương chọn người, bổ nhiệm trực tiếp xuống các vị trí cấp tỉnh. Các cuộc bầu bán, bỏ phiếu để hợp thức hóa lựa chọn đã có trước đó. Thậm chí lần này, việc bầu bán tại đại hội ở các địa phương sau sáp nhập, hợp nhất sẽ không bỏ phiếu lựa chọn nhân sự nữa. Những người được chọn sẽ yên tâm ngồi ít nhất hết nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy nhận xét rằng cơ chế luận chọn nhân sự lãnh đạo của ĐCSVN làm cho họ đánh mất cơ hội lựa chọn người tài ngay trong chính hệ thống của họ. Không chỉ trong xã hội mà ngay cả trong nội bộ ĐCSVN có nhiều nhân tài không bao giờ có cơ hội được trao quyền làm việc. Cơ chế chọn người theo cách ban phát quyền lực trực tiếp từ trên xuống luôn hình thành quan hệ quyền lực dựa trên thân hữu, gia tộc, quê quán, tiền bạc và những yếu tố khác.
Lãnh đạo tỉnh chọn quan tỉnh và quan xã
Trung ương chọn nhân sự cấp tỉnh, đến lượt mình, nhân sự cấp tỉnh do trung ương lựa chọn sẽ quyết định nhân sự cấp tỉnh ở hàng tỉnh ủy viên. Mục 3.2 của Kết luận 150 hướng dẫn vị lãnh đạo cấp tỉnh này sẽ điều phối các cơ quan trong tỉnh để quyết định các vị ở vị trí tỉnh ủy viên, vốn sẽ nắm các vị trí chủ chốt trong bộ máy hành chính của tỉnh.
Ngoài các vị tỉnh ủy viên, quan đầu tỉnh cũng sẽ quyết định nhân sự của cấp xã, theo hướng dẫn ở mục 3.3 của Kết luận nêu trên.
Đối với mô hình ba cấp Việt Nam, nhà báo Trân Văn, một người có nhiều năm kinh nghiệm viết về các vấn đề kinh tế chính trị Việt Nam, đã đặt ra một câu hỏi lớn: mô hình ba cấp đòi hỏi quan chức trong hệ thống ấy phải là chuyên gia trong lĩnh vực mà họ chịu trách nhiệm. Họ là những quan chức, công chức kỹ trị và không bị chi phối bởi các biến động chính trị thượng tầng.
Sap chép “mô hình chính quyền ba cấp” nhưng “sửa chữa, bổ sung” cơ chế bổ nhiệm nhân sự kiểu cũ, như đã từng đem “kinh tế thị trường” ghép với “định hướng XHCN”, theo nhà báo Trân Văn, sẽ là “uống thuốc liều quá lượng cho phép.”
Hệ quả của cơ chế bổ nhiệm trực tiếp theo hàng dọc
Cách bổ nhiệm trực tiếp nhân sự theo chiều dọc mà Kết luận 150 hướng dẫn cũng không khác thời phong kiến. Hệ thống chỉ duy trì được ổn định và phát triển nếu còn “vị vua anh minh” ngồi đó. Khi vị vua này ra đi, hệ thống rệu rã và triều đại suy tàn.
Theo Kỹ sư Khiêm Nguyễn, một chuyên giao cấp cao về kinh doanh và công nghệ ở công ty Voyager Space, một công ty đa quốc gia ở Mỹ, và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, các tiêu chí liên quan đến phe nhóm luôn tồn tại trong quá trình dàn xếp nhân sự ở Việt Nam. Lãnh đạo ở địa phương phải chọn cho mình một “mạng lưới đàn em” trong các cơ quan bên dưới. Khi vị lãnh đạo này thăng tiến, họ sẽ mang theo “mạng lưới đàn em” của mình lên cấp cao hơn. Mua quan bán chức, như điều ông cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra, là điều tất yếu, nhưng cũng không dễ để “mua quan” trong hệ thống đó. Vì bạn phải thuộc vào mạng lưới của một lãnh đạo địa phương nào đó bạn mới có đủ điều kiện để “mua”. Theo Kỹ sư Khiêm Nguyễn, mua quan bán chức theo mạng lưới không phải là hiện tượng riêng của Việt Nam mà là hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á khác. Việt Nam có một cơ chế để giảm nhẹ hiện tượng này là “luân chuyển cán bộ”. Nhưng ngay cả khi việc luân chuyển cán bộ được thực hiện đúng, vị quan chức bị luân chuyển vẫn có thể mang theo mạng lưới của mình đến địa bàn mới. Đó chỉ là cách làm “bắt cóc bỏ dĩa”, không giải quyết được vấn đề.
Kết luận 150 có đặt ra các tiêu chuẩn lựa chọn quan chức: “phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, uy tín, nhất là có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung và có kết quả, sản phẩm công tác cụ thể.” Một lần nữa, mặc dù các tiêu chuẩn này đều đúng, tiêu chuẩn “năng lực” chưa bao giờ được cụ thể hóa như Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, dàn cán bộ kế cận cho vị trí lãnh đạo cấp tỉnh đều phải được đào tạo ở các đại học hàng đầu, được huấn luyện về kinh tế ở Trường Đảng Trung ương. Và một lần nữa, Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ đã khác xa cơ quan giáo dục tương đương của Việt Nam. Trường Đảng Trung ương là một không gian học thuật phát triển cao, được tự do tranh luận trong phạm vi nhà trường, tranh luận các vấn đề nhạy cảm, trái chiều, dù không được công bố các ý kiến trái chiều này ra bên ngoài. Để lên đến hàng lãnh đạo tỉnh, các cán bộ này buộc phải chứng minh thành tích quản trị và phát triển kinh tế trước đó. Quan hệ “mua quan bán chức” theo mạng lưới vẫn còn đó, nhưng chỉ là “điều kiện cần”, còn “điều kiện đủ” là các dự án quản trị kinh tế đã thành công trước đó. Đây là tiêu chí bắt buộc để được thăng tiến trong hệ thống Trung Quốc, theo Kỹ sư Khiêm Nguyễn.
Giáo Carl Thayer cho rằng cơ chế bổ nhiệm trực tiếp dẫn đến việc các quan chức chính phủ Việt Nam không dám dấn thân mà giữ mình an toàn cho đến khi có thâm niên để mua một vị trí cao hơn. Điều này làm nản lòng những nhân tài trẻ tuổi và năng động hơn trong việc tìm kiếm việc làm trong bộ máy nhà nước.
Dẫn lời của cố Tổng thống Mỹ Nixon năm 1967 “khi anh vướng vào vấn đề đảng phái thay vì quốc gia thì anh bị kẹt vào một vòng lặp không thoát ra được”, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ cho rằng đó cũng là vấn đề của Việt Nam. Việc củng cố quyền lực một cách vững chắc là yêu cầu bắt buộc, có tính sống còn của ông Tô Lâm, trước khi có thể tiến hành bất kỳ cải cách nào khác, nhưng nếu các bước đi hôm nay củng cố một mô hình lựa chọn nhân sự thời phong kiến và không được cải cách trong tương lai, nó sẽ làm lung lay nền móng của hệ thống mới mà ông Tô Lâm đang xây dựng trong những năm sắp tới.
Vậy ông Tô Lâm đã bỏ lỡ cơ hội làm điều gì?
Đó là cơ hội xây dựng nền móng cho một cơ chế lựa chọn nhân tài ở địa phương khoa học hơn.
Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer nhận xét rằng các quy định hiện hành của ĐCSVN không cho phép vận động tranh cử công khai. Thực vậy, tranh cử công khai trong nội bộ đảng là điều cấm kỵ ở mọi cấp. Trong khi đó, tranh cử công khai trong đảng để lựa chọn nhân sự cho đảng là một cơ chế phổ biến ở nhiều đảng chính trị cầm quyền ở các nước tiên tiến, như Hoa Kỳ (hai đảng Cộng hòa và Dân chủ), Nhật Bản (Đảng Dân chủ Tự do), Singapore (Đảng Nhân dân Hành động). Mỗi đảng có cơ chế tranh cử nội bộ khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh quốc quốc gia.
Trong lịch sử, ĐCSVN chưa từng thử áp dụng một cơ chế tranh cử nội bộ như vậy. Tại các kỳ đại hội, các đại biểu bỏ phiếu theo quyết định của Bộ Chính trị. Dĩ nhiên, BCH Trung ương từng có ngoại lệ. Ví dụ, theo GS Carl Thayer, ông Trần Quốc Vượng từng được ông Nguyễn Phú Trọng chọn làm người kế nhiệm nhưng không nhận đủ số phiếu của BCH Trung ương. Cơ chế lựa chọn nhân sự kế cận, như vậy, không phải là một cơ chế buộc các ứng viên công khai về tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia hay địa phương. Nhân sự được lựa chọn tại đại hội chủ yếu được thực hiện thông qua các hoạt động “thu hút” phiếu bầu theo con đường khác.
Đó là cơ chế chọn nhân sự theo cách “truyền thống” của ĐCSVN. Theo Giáo sư Carl Thayer, hệ thống cấp tỉnh và cấp xã ở địa phương mới hiện nay đòi hỏi Việt Nam cần phải xây dựng hàng loạt thiết chế đặt nền móng để cho hệ thống mới này hoạt động hiệu quả. Đó là các quy định pháp luật về nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cấp chính quyền để tránh chồng chéo và thiếu hụt. Ngoài ra, Việt Nam phải thiết lập một “hệ thống thực thi pháp luật” và “trách nhiệm giải trình độc lập” đối với các viên chức chính quyền ở mọi cấp. Việt Nam cũng phải cải cách việc tuyển dụng công chức để đảm bảo dựa trên năng lực ở mọi cấp. Công việc xây dựng nền móng cho một cơ chế lựa chọn nhân tài không thể dừng lại ở cấp địa phương vì địa phương gắn liền với trung ương, do đó, theo GS Carl Thayer, ĐCSVN phải xem xét lại chế độ chỉ tiêu tuyển chọn vào Ban Chấp hành Trung ương để tăng số lượng những người có trình độ, đồng thời những nhân tài này phải dưới năm mươi tuổi.
Nhà báo Trân Văn cho rằng sở dĩ quản trị trở thành đối tượng nghiên cứu, được xem như một lĩnh vực trong khoa học xã hội – nhân văn vì quản trị có nguyên lý, có phương pháp, có công cụ để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đạt được mục tiêu. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có đủ nhân lực với tâm và tầm cần thiết để sau khi cải tổ sẽ đạt được “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” hay không? Muốn biết có hay không, hãy nhìn vào thực tại, vào sự ngổn ngang của đủ loại chương trình quốc gia, chẳng hạn như Mã số định danh cá nhân,... Tựu chung, vấn đề của Việt Nam không phải là có bao nhiêu cấp chính quyền mà là tạo lập các cấp này vì mục đích gì. Do đó, theo nhà báo Trân Văn, tự thân việc áp dụng “mô hình chính quyền ba cấp” bất chấp đặc điểm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hiện nay đã là hứa hẹn vững chắc về thất bại.
Theo TS. Nguyễn Huy Vũ, Việt Nam có thể tham khảo mô hình Singapore, xây dựng chế độ tuyển dụng và phân bổ công việc dựa trên năng lực (merit-based). Điều này nói thì dễ, nhưng muốn làm được thì phải xây dựng cơ chế và hệ thống tiêu chí minh bạch, khoa học. Gần đây, Việt Nam nói đến việc mời chuyên gia nước ngoài quản lý doanh nghiệp nhà nước. TS Nguyễn Huy Vũ cho biết Singapore thậm chí có thể bổ nhiệm luật sư nước ngoài, học luật từ khối Thịnh Vượng Chung theo mô hình Anh, vào các vị trí thẩm phán để bảo đảm hệ thống tư pháp của họ công tâm, không thiên vị và có năng lực.